Top chiến lược marketing F&B hiện đại, theo xu hướng mới nhất
Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đang phát triển mạnh mẽ và không ngừng mở rộng, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, các doanh nghiệp F&B đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Làm thế nào để doanh nghiệp F&B của bạn có thể nổi bật giữa hàng ngàn đối thủ? Câu trả lời nằm ở chiến lược marketing F&B hiệu quả, từ việc tận dụng mạng xã hội, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, đến việc nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới. Dưới đây, Pareto sẽ giới thiệu các chiến lược marketing ngành F&B hiệu quả nhất hiện nay, theo dõi ngay nhé!
Top chiến lược marketing F&B hiệu quả nhất
Chiến lược marketing online ngành F&B
Xây dựng tuyến content hấp dẫn, thu hút
Chiến lược content trong ngành F&B cần phải tạo ra sự kết nối cảm xúc với khách hàng, đồng thời thúc đẩy trải nghiệm trực quan mạnh mẽ. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là phải hiểu rõ insight khách hàng. Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc về hành vi tiêu dùng, lối sống, và sở thích ăn uống. Ví dụ, nhóm khách hàng Gen Z yêu thích sự độc đáo, mới lạ, hài hước. Người lứa tuổi từ 30 trở lên lại quan tâm nhiều đến chất lượng, sức khỏe, sự bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp F&B cần xác định USP mà sản phẩm của mình mang lại. USP có thể là nguồn gốc nguyên liệu sạch, công thức đặc biệt, hoặc sự độc đáo trong quy trình sản xuất. Ví dụ, nếu sản phẩm nhấn mạnh tính bền vững, nội dung nên xoay quanh câu chuyện về nguyên liệu hữu cơ hoặc quá trình sản xuất thân thiện với môi trường. Content nên làm nổi bật USP này để khẳng định sự khác biệt so với đối thủ.
Lưu ý, F&B là một trong những lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư vào yếu tố thị giác. Hình ảnh và video về món ăn ngon, màu sắc hấp dẫn có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Để nội dung trở nên hấp dẫn hơn, doanh nghiệp nên đầu tư vào hình ảnh chất lượng cao, video quay chậm quá trình chế biến, hoặc các nội dung liên quan đến trải nghiệm của khách hàng.
Đẩy mạnh sự hiện diện trên mạng xã hội
Social media hiện là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để tiếp cận khách hàng, đặc biệt là trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B). Vì vậy, đây là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược marketing F&B, dù bạn ở quy mô lớn hay nhỏ. Tại Việt Nam, hầu hết người dùng tìm kiếm địa điểm ăn uống qua điện thoại thông minh và trên social media. Ví dụ, xem review trên hội nhóm, xem quảng cáo trên Facebook, xem menu trên fanpage,…
Social media không chỉ là công cụ tiếp thị, mà còn là kênh giao tiếp mạnh mẽ để xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Khách hàng có thể tương tác trực tiếp với thương hiệu qua các bài đăng, bình luận, và tin nhắn. Đặc biệt, các đánh giá và nhận xét của khách hàng cũng trở thành công cụ quảng bá vô giá.
Một số trang mạng xã hội phổ biến nhất để triển khai marketing f&b là:
- Instagram & TikTok: Tập trung vào hình ảnh, video ngắn hấp dẫn về món ăn, quy trình nấu nướng, hoặc các sự kiện tại nhà hàng. Đây là hai nền tảng mà người tiêu dùng yêu thích vì tính trực quan cao và khả năng lan truyền mạnh mẽ.
- Facebook: Nếu như Instagram gây ấn tượng bởi hình ảnh đẹp, TikTok là video ngắn thu hút sự chú ý, thì Facebook tập trung vào tính cộng đồng hơn. Nền tảng này thích hợp để đăng tải content xuyên suốt hành trình khách hàng, từ nhận diện/kể chuyện thương hiệu, tạo chủ đề bàn luận, cho đến các chương trình khuyến mãi,…
- YouTube: Youtube là nền tảng sản xuất video long form, ví dụ như hướng dẫn nấu ăn, giới thiệu sản phẩm mới,... Không phải nhà hàng, quán ăn nào cũng đầu tư vào kênh Youtube, mà chủ yếu là các nhà hàng phân khúc cao cấp, có quảng cáo TVC, video kể chuyện thương hiệu.
Xem thêm: Cách viết content hay cho quán cafe
Booking KOL lĩnh vực F&B
Sử dụng KOL/KOC là một chiến lược marketing F&B phát huy hiệu quả rất nhanh. KOL thường có lượng người theo dõi đông đảo và lòng tin từ khán giả. Khi KOL quảng bá về sản phẩm F&B, đây không chỉ là một bài quảng cáo đơn giản, mà còn là một lời khuyên chân thực, thúc đẩy khách hàng ra quyết định. Ví dụ, một số chuỗi nhà hàng nổi tiếng đã hợp tác với các KOL ẩm thực trên YouTube để thực hiện các vlog trải nghiệm dùng bữa. Những video này thường thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và mang lại hiệu quả lan tỏa lớn.
Vậy làm thế nào để booking KOL ngành F&B:
- Phù hợp với phân khúc khách hàng: Ví dụ, nếu doanh nghiệp tập trung vào đồ ăn nhanh cho giới trẻ, thì nên chọn những KOL có phong cách trẻ trung, năng động và có lượng người theo dõi là giới trẻ. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tập trung vào thực phẩm cao cấp, hãy chọn những KOL có phong cách sống sang trọng và thẩm mỹ cao.
- Tương tác tốt và có sức ảnh hưởng: KOL không chỉ có lượng người theo dõi lớn mà cần có tỷ lệ tương tác cao với khán giả. Một KOL có 100.000 người theo dõi với tỷ lệ tương tác (like, comment) cao sẽ hiệu quả hơn so với KOL có 1 triệu người theo dõi nhưng ít tương tác từ khán giả.
- Chuyên môn và độ phù hợp với ngành: Khả năng phân tích, bình luận chi tiết về món ăn hoặc sản phẩm của KOL sẽ tăng tính thuyết phục cho khán giả. Ví dụ, KOL chuyên về review nhà hàng, thực phẩm sẽ có độ tin cậy cao hơn so với một KOL nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang nhưng ít kiến thức về F&B.
Tận dụng UGC - User generated content
User generated content (UGC) là bất kỳ loại nội dung nào do người dùng tạo ra và chia sẻ công khai trên các nền tảng trực tuyến, bao gồm hình ảnh, video, bài viết, đánh giá sản phẩm, và bình luận. Đặc điểm quan trọng của UGC là chúng không phải do thương hiệu tạo ra, mà do người tiêu dùng hoặc người hâm mộ của thương hiệu tự sản xuất.
Bạn nên tận dụng UGC khi làm marketing F&B bởi người tiêu dùng ngày nay có xu hướng tin tưởng những đánh giá từ cộng đồng hơn là nghe thương hiệu “tự quảng cáo”. Thậm chí chiến lược sử dụng KOL/KOC nếu không thực hiện đúng cách cũng sẽ tạo ra cảm giác “giả dối”, gây mất thiện cảm từ khách hàng.
Một ví dụ tiêu biểu cho chiến dịch truyền thông ngành F&B với mục đích thúc đẩy UGC là cuộc thi hashtag “#RedCupContest” của Starbucks. Cuộc thi được tổ chức trên Instagram, khuyến khích khách hàng đăng ảnh họ sử dụng ly cà phê mùa lễ hội. Những bức ảnh này đã giúp tạo ra hàng ngàn bài đăng tự nhiên, tăng cường sự hiện diện thương hiệu và khuyến khích người tiêu dùng khác thử sản phẩm.
SEO Google Map vị trí cửa hàng
Đây là chiến lược marketing F&B bạn không nên bỏ qua. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm kiếm các quán ăn, nhà hàng gần khu vực họ đang ở hoặc di chuyển, đặc biệt trên ứng dụng Google Maps. Theo thống kê, từ khóa như “quán ăn gần đây” hoặc “nhà hàng gần tôi” là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Điều này cho thấy Google Maps là một công cụ không thể thiếu cho các doanh nghiệp F&B muốn thu hút khách hàng địa phương.
SEO Google Map giúp doanh nghiệp F&B nổi bật hơn với khách hàng tiềm năng ở khu vực địa phương. Ví dụ, khi người dùng tìm kiếm “nhà hàng gần đây”, Google Map sẽ hiển thị kết quả nhà hàng dựa trên vị trí người dùng, đồng thời cung cấp thông tin như đánh giá, giờ mở cửa, và hình ảnh. Nếu quán của bạn được nhiều đánh giá 5 sao, có hình ảnh rõ nét, có menu thì sẽ dễ dàng thu hút người qua đường ghé thăm hơn những quán không được tối ưu hóa.
Xây dựng app cho chuỗi nhà hàng, đồ uống
Đây là chiến lược marketing dành cho các thương hiệu F&B phát triển theo mô hình chuỗi, mô hình nhượng quyền. Ví dụ, Starbucks phát triển ứng dụng riêng khi chuỗi của họ mở rộng quy mô toàn cầu. App Starbucks không chỉ giúp người dùng tìm cửa hàng gần nhất mà còn tạo ra trải nghiệm thanh toán nhanh chóng, tích điểm và nhận ưu đãi đặc biệt.
Hơn nữa, nếu thương hiệu muốn cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa hơn, như chương trình khách hàng thân thiết, thì việc phát triển app là một giải pháp hợp lý. Doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi thông báo đẩy (push notifications) về các chương trình khuyến mãi, sự kiện hoặc ưu đãi đặc biệt, từ đó giữ được sự gắn kết với khách hàng và tăng tỷ lệ mua sắm.
Hợp tác với các app giao đồ ăn
Hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn đã trở thành một chiến lược marketing F&B quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng mua đồ ăn online ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo của Statista, doanh thu thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu dự kiến đạt 323,3 tỷ đô la vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 9,89% từ 2024 đến 2028. Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian và đa dạng lựa chọn mà các app giao đồ ăn mang lại cho người tiêu dùng.
Vậy tại sao hợp tác với app giao đồ ăn lại giúp bạn marketing hiệu quả? Dưới đây là một số lý do:
- Mạng lưới khách hàng rộng lớn: App giao đồ ăn có một cơ sở khách hàng lớn và đa dạng, giúp các thương hiệu F&B tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng. Hơn nữa, ác ứng dụng này cung cấp dữ liệu chi tiết về hành vi mua hàng và sở thích của khách hàng, cho phép các thương hiệu F&B tối ưu hóa chiến lược marketing của mình.
- Tích hợp các tính năng quảng cáo: Các ứng dụng giao đồ ăn thường có các tính năng quảng cáo và khuyến mãi tích hợp, cho phép các thương hiệu F&B tạo ra các chiến dịch marketing có mục tiêu. Theo một báo cáo của eMarketer, chi tiêu quảng cáo trên các nền tảng giao đồ ăn dự kiến sẽ tăng 20% mỗi năm từ 2021 đến 2025.
- Hệ thống đánh giá và phản hồi: Hầu như app giao đồ ăn nào cũng có mục đánh giá và phản hồi từ khách hàng. Nếu tối ưu hóa được số sao trên app và phản hồi review, doanh thu bán hàng online của bạn có thể tăng một cách chóng mặt.
Xem thêm: Dịch vụ marketing cho nhà hàng, quán ăn
Chiến lược marketing offline ngành F&B
Quảng cáo tại điểm bán
Quảng cáo tại điểm bán là một chiến lược marketing F&B tác động trực tiếp đến quyết định mua hàng của khách hàng. Quảng cáo tại điểm bán trong ngành F&B bao gồm nhiều hình thức đa dạng. Nghiên cứu của Cornell University cho thấy, menu có hình ảnh có thể tăng doanh số của một món ăn lên tới 30%. Vì vậy, đây là một công cụ quảng cáo quan trọng, nên được thiết kế hấp dẫn với hình ảnh chất lượng cao, khơi gợi cảm giác “thèm ăn” của người xem.
Tiếp theo là các biển hiệu, poster và standee, giới thiệu món mới hoặc khuyến mãi đặc biệt. Các vật phẩm trang trí như bàn ghế, đồ dùng ăn uống cũng có thể được sử dụng để quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, các màn hình kỹ thuật số đang ngày càng phổ biến, cho phép hiển thị nội dung động và tương tác.
Tham gia sự kiện ẩm thực
Theo một báo cáo của Event Marketing Institute, 74% người tham gia sự kiện có ấn tượng tích cực hơn về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng bá tại sự kiện. Các sự kiện ẩm thực có nhiều hình thức đa dạng, từ festival ẩm thực quy mô lớn, đến các hội chợ thực phẩm địa phương nhỏ trong một khu vực.
Các doanh nghiệp F&B có thể tận dụng những sự kiện này bằng nhiều cách. Ví dụ, họ có thể thuê gian hàng để giới thiệu và bán sản phẩm, tổ chức các buổi nếm thử miễn phí, hay tham gia vào các cuộc thi nấu ăn. Nếu có thể “dụ” mọi người dùng thử sản phẩm trong sự kiện, thì có khả năng cao họ sẽ trở thành khách hàng của bạn sau này. Theo một nghiên cứu của Eventbrite, 98% người tham dự sự kiện ẩm thực có khả năng mua lại sản phẩm sau khi được nếm thử.
Đặt quảng cáo OOH - Quảng cáo ngoài trời
Quảng cáo OOH (Out of Home) là loại hình quảng cáo ngoài trời trên các bảng biển, poster, xe buýt, tòa nhà, v.v., giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng khi họ di chuyển. OOH phù hợp nhất cho các thương hiệu F&B đã có tiếng hoặc chuỗi nhà hàng lớn, những thương hiệu đã có tệp khách hàng cơ bản. Ví dụ, McDonald's hay KFC thường sử dụng quảng cáo OOH để khuyến khích khách hàng nhớ đến thương hiệu mỗi khi họ đi qua các địa điểm chiến lược như đường cao tốc, trung tâm thương mại, hoặc các khu phố sầm uất.
Nhưng không chỉ mỗi thương hiệu lớn mới có thể sử dụng OOH. Các thương hiệu F&B nhỏ hơn cũng có thể đặt biển quảng cáo để target đến tệp khách hàng địa phương. Lưu ý, với quảng cáo OOH, thiết kế visual đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, thông điệp quảng cáo cần phải hấp dẫn, ngắn gọn và có tính khêu gợi. Không ít trường hợp những slogan, hình ảnh quảng cáo OOH viral trên mạng xã hội nhờ thông điệp hài hước, chạm “trúng” insight của khách hàng.
Có chương trình khuyến mãi tại chỗ
Các chương trình khuyến mãi tại chỗ là một trong những chiến lược marketing F&B phổ biến nhất. Có nhiều hình thức giảm giá khuyến mãi như:
- Giảm giá trực tiếp (Discounts): Đây là hình thức giảm giá trực tiếp trên sản phẩm hoặc dịch vụ. Các chương trình như “Mua 1 tặng 1”, “Giảm 20% vào giờ vàng” thường thu hút đông đảo khách hàng.
- Combo và gói ưu đãi (Combo Deals): Khách hàng có xu hướng thích những combo đồ ăn, đồ uống giá rẻ hơn so với mua từng món lẻ. Điều này giúp nhà hàng bán thêm nhiều sản phẩm phụ, tăng giá trị đơn hàng trung bình.
- Chương trình khách hàng thân thiết (Loyalty Programs): Tích điểm, đổi thưởng, hoặc nhận ưu đãi khi đạt một lượng mua sắm nhất định giúp khách hàng quay lại thường xuyên.
- Khuyến mãi theo dịp đặc biệt: Các sự kiện như sinh nhật khách hàng, lễ kỷ niệm, hoặc lễ hội (như Tết, Giáng Sinh) là cơ hội tuyệt vời để triển khai khuyến mãi thu hút khách hàng.
Sampling, dùng thử sản phẩm
Sampling (hay còn gọi là thử mẫu) là một chiến lược marketing cho phép khách hàng thử nghiệm sản phẩm trước khi quyết định mua. Đặc biệt trong ngành F&B, sampling rất quan trọng vì chất lượng và hương vị của sản phẩm thường là yếu tố quyết định lớn nhất trong hành vi mua sắm của khách hàng.
Ví dụ, Costco, một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới, nổi tiếng với việc cung cấp sampling cho các sản phẩm thực phẩm tại cửa hàng. Họ thường có các quầy thử món miễn phí, nơi khách hàng có thể nếm thử các loại thực phẩm mới hoặc các sản phẩm nổi bật. Hay Coca Cola thường triển khai các chương trình sampling tại các sự kiện lớn, hội chợ, hoặc festival, nơi họ phân phát nước giải khát miễn phí cho người tham dự.
Tài trợ các sự kiện cộng đồng
Đây là cách marketing F&B nâng cao nhận diện thương hiệu, tạo sự gắn kết với cộng đồng và thu hút khách hàng mới. Lưu ý, bạn phải chọn các sự kiện phù hợp với giá trị và đối tượng khách hàng mục tiêu của thương hiệu. Ngoài ra, thương hiệu phải tận dụng các kênh truyền thông xã hội để quảng bá sự kiện mà mình tài trợ, tạo ra sự chú ý và khuyến khích khách hàng tham gia.
Ví dụ, hãng snack Lays từng tài trợ cho các lễ hội âm nhạc lớn như Coachella, nơi mà sản phẩm của họ dễ dàng tiếp cận với đông đảo khán giả. Bên cạnh việc tài trợ và sampling sản phẩm, Lays còn tạo ra các hoạt động tương tác tại các sự kiện, như các trò chơi, thử thách chụp ảnh và các hoạt động giải trí khác. Điều này giúp thu hút khách hàng và tạo ấn tượng tích cực về thương hiệu.
Xem thêm: Những chiến lược marketing dịch vụ phổ biến nhất hiện nay
Tầm quan trọng của marketing trong ngành F&B
Kế hoạch marketing trong ngành F&B là vô cùng quan trọng vì nhiều lý do như:
- Cạnh tranh gay gắt: Ngành F&B có sự cạnh tranh rất cao với hàng ngàn thương hiệu và sản phẩm khác nhau. Marketing giúp thương hiệu nổi bật giữa đám đông và thu hút sự chú ý của khách hàng.
- Thay đổi thói quen tiêu dùng: Khách hàng ngày nay có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm và sự đổi mới trong các sản phẩm thực phẩm. Marketing giúp các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng này và điều chỉnh sản phẩm cũng như thông điệp truyền thông phù hợp.
- Xây dựng thương hiệu: Marketing đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và sự nhận diện của khách hàng. Thương hiệu mạnh không chỉ giúp thu hút khách hàng mà còn tạo ra lòng trung thành từ khách hàng hiện tại.
- Tối ưu hóa doanh thu: Các chiến dịch marketing hiệu quả có thể thúc đẩy doanh số bán hàng và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Việc sử dụng các chương trình khuyến mãi, sampling, hoặc tài trợ sự kiện đều nhằm mục đích tạo ra doanh thu và tăng cường nhận thức về thương hiệu.
- Đánh giá thị trường và xu hướng: Marketing cung cấp thông tin quý giá về thị trường và đối thủ cạnh tranh, giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược của mình để phù hợp với tình hình thực tế.
Xem thêm: Larksuite - Công cụ giúp doanh nghiệp F&B tối đa năng suất làm việc
Trên đây là tổng hợp các cách marketing F&B hiệu quả nhất hiện nay. Trong bối cảnh ngành F&B đang phát triển mạnh mẽ và đối mặt với nhiều thách thức, việc đầu tư vào marketing không chỉ cần thiết mà còn là yếu tố quyết định sự thành công lâu dài của thương hiệu. Chúc bạn kinh doanh thành công và đừng quên theo dõi website Pareto nhé!